Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân tại Ba Lan
1- Sự hình thành và phát triển
Trường Tiếng Việt tại Ba Lan được sáng lập từ năm 1999. Ý tưởng này được đề xuất và thực hiên bởi một số phụ huynh và giáo viên muốn cho con em (được sinh ra hoặc sang Ba Lan từ bé) trong cộng đồng hiểu biết tiếng mẹ đẻ và giữ gìn văn hóa Việt Nam.
Buổi đầu thành lập trường chỉ có khoảng vài chục học sinh. Do sự phát triển của cộng đồng, đến năm 2007, tại Ba Lan có thêm một trường Tiếng Việt thứ hai. Vào năm 2009, hai trường sát nhập thành một, có tên là Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân tại Ba Lan (trực thuộc Trung tâm Văn hóa Văn Lang tại Ba Lan).
Tổng số học sinh hàng năm có khoảng từ 150 – 180 với lứa tuổi từ 5-14, được chia thành 12 lớp (khối I: gồm các lớp học năm thứ nhất và thứ hai với chương trình A,B; khối II: gồm các lớp học năm thứ ba, tư, năm với chương trình C,D,E). Cơ sở chính của trường là thuê phòng học của trường Phổ thông cơ sở số 264 mang tên Gabrieli Mistral, phố Majewskieo 17, 02-104 Warszawa.
2- Đội ngũ giáo viên
Trường tuyển chọn chủ yếu các giáo viên đã tốt nghiệp các trường sư phạm (từ tiểu học đến đại học) và các giảng viên đại học đã từng tham gia giảng dạy ở trong nước.
- Tài liệu giảng dạy: Trước đây, tài liệu giảng dạy của trường chủ yếu dựa vào bộ sách giáo khoa từ trong nước: Tiếng Việt 1,2,3,4,5 và tham khảo thêm các bộ sách„Tiếng Việt Vui” và „Quê Việt”.
Từ năm 2018, trường đã hoàn thành biên soạn một bộ giáo trình riêng „ Em học tiếng Việt” (gồm 14 quyển với các chương trình A, B,C, D, E) và lấy đó làm tài liệu giảng dạy và học tập, phù hợp hơn với môi trường và điều kiện thời gian của con em cộng đồng người Việt tại Ba Lan. - Hoạt động của trường
a- Giảng dạy tiếng Việt: Thời gian dành cho việc dạy và hoc tiếng Việt ở trường chỉ vào các buổi chiều thứ bảy hàng tuần, từ 16h-19h, vì từ thứ hai đến thứ sáu học sinh còn phải đến học ở trường Ba Lan.
Ngoài ra, hàng tháng nhà trường có tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn của giáo viên để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nâng cao trình độ nghiệp vụ.
b- Hoạt động ngoại khóa: Ngoài việc giảng dạy và học tập tiếng Việt, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa khác (ngày Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, ngày Quốc tế Thiêu Nhi 1-6 …) nhằm giúp con em hiểu biết thêm về thuần phong mỹ tục của VN, hướng tâm tư tình cảm của con em về với quê hương đất nước, tạo cho con em người Việt có dịp để gần gũi, gắn bó với nhau và với cộng đồng.
Hàng năm (từ năm 2011) vào dịp Hè, nhà rường chủ trì tổ chức Trại Hè „Vui Cùng Tiếng Việt” thu hút được đông đảo con em cộng đồng tham dự. Đây cũng là dịp để nâng cao trình độ tiếng Việt, hiểu biết thêm văn hóa Việt cho con em trong cộng đồng. - Những thuận lợi và khó khăn:
a- Thuận lợi: Với hơn 20 năm kể từ ngày thành lập, nhà trường đã có được được một đội ngũ giáo viên và Ban lãnh đạo sự nhiệt tình và tâm huyết cao đối với công việc. Trường đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức và quản lý việc dạy và học tiếng Việt.
Nhà trường cũng nhận được sự động viên, ủng hộ của đông đảo các bậc phụ huynh, các tổ chức Hội đoàn (Hội người VN, Hội PN VN…) trong cộng đồng và sự quan tâm của Đại sứ quán VN nhằm mục đích làm tốt nhiệm vụ giữ gìn tiếng Việt, bảo tồn bản sắc văn hóa Việt nơi xa xứ.
b- Khó khăn:
– Việc các bậc phụ huynh cho con em mình đến học tiếng Việt là hoàn toàn tự nguyện. Đa số các bậc phụ huynh rất bận rộn với công việc làm ăn, kinh doanh, không có thời gian để đưa đón, giúp đỡ cho con em mình học, do đó một số lượng rất lớn con em trong cộng đồng, tuy không biết tiếng Việt nhưng cũng chưa được đến trường học.
– Đối tượng học sinh vào học từ năm đầu không đồng đều về tuổi cũng như về trình độ hiểu biết tiếng Việt, điều đó dẫn tới khó khăn trong việc dạy và học.
– Thời gian dành cho việc dạy và hoc tiếng Việt ở trường rất ít (mỗi tuần chỉ có một buổi vào chiều thứ bảy), nên việc truyền đạt kiến thức, luyện tập kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh có nhiều hạn chế.
– Nhà trường đã cố gắng biên soạn giáo trình riêng và đã sử dụng trong mấy năm nay. Tuy nhiên, để bộ giáo trình của trường được hoàn thiện với chất lượng tốt (cả nội dung lẫn hình thức), trường còn phải bỏ nhiều thời gian, công sức và kinh phí để chỉnh sửa, in ấn.
Đặc biệt, trong tình trạng dịch bệnh COVID-19 hiện nay, sắp sửa bước vào khai giảng năm học mới 2020-2021, nhà trường phải chuyển sang phương thức giảng dạy và học tập trực tuyến. Đối với nhà trường, đây là một thử thách lớn với rất nhiều khó khăn bước đầu.
Tập thể Giáo viên và Ban lãnh đạo nhà trường đã và đang hết sức cố gắng đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ và kinh phí để xây dựng nền tảng dạy và học theo phương thức trực tuyến.
Hy vọng rằng, năm học mới 2010-2021 sẽ là một bước ngoặt đổi mới thành công của Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân tại Ba Lan.
Warszawa, tháng 8/2020.